Lượt xem: 341

Nhà vườn Sóc Trăng tìm cơ hội xuất khẩu trái bưởi sang Hoa Kỳ

Sự kiện trái bưởi Việt Nam lần đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường khó tính Hoa Kỳ vào cuối tháng 11 vừa qua không chỉ mang đến niềm vui cho người nông dân Bến Tre – tỉnh đầu tiên của cả nước có trái bưởi được xuất khẩu sang thị trường khó tính, mà còn là niềm phấn khởi chung của rất nhiều nhà vườn trồng bưởi tại Đồng bằng sông Cửu Long. Với diện tích trồng bưởi hơn 2.000 ha cùng sản lượng trung bình hằng năm trên 20 nghìn tấn. Nhà vườn Sóc Trăng đang rất nỗ lực trong quy trình canh tác để  tìm kiếm cơ hội là địa phương tiếp theo có sản phẩm bưởi xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

 


Nhà vườn chủ động tiến hành bao trái cho bưởi

 

    Chất lượng là yếu tố then chốt để trái bưởi có cơ hội xuất khẩu sang thị trường khó tính. Vì vậy nên từ khi có thông tin bưởi sẽ là sản phẩm cây ăn trái thứ 7 của Việt Nam được xuất khẩu sang Hoa Kỳ, bên cạnh duy trì quy trình canh tác theo hướng VietGAP như đã áp dụng rất tốt từ nhiều năm nay, ông Huỳnh An Khương ấp Kinh Giữa 1, xã Kế Thành, huyện Kế Sách còn chủ động tiến hành bao trái cho bưởi, điều mà trước nay ông chưa từng nghĩ đến. Với mỗi túi dùng để bao trái, nông dân phải mất thêm 1.200 đồng chi phí đầu tư sản xuất, nhưng bù lại, chất lượng sản phẩm khi thu hoạch sẽ đáp ứng đầy đủ yêu cầu của các nước nhập khẩu, đó là đảm bảo không tồn dư hóa chất, không bị sâu hại tấn công. Ông Khương cho biết: “Khoảng 1-2 năm gần đây, dịch hại sâu đục trái trên bưởi phát triển rất là mạnh. Thường theo tập quán của bà con, nếu như không bao khi thấy sâu đục trái xuất hiện là cứ xịt, như vậy dư lượng hóa chất sẽ còn, khi mình bán ra thị trường rất khó. Còn nếu mình đã bao trái rồi cho đến khi thu hoạch mình không cần phải phun thuốc trừ sâu đục trái nữa. Đối với bưởi 5 roi khi đậu trái khoảng 4 tháng, xem như gần trưởng thành rồi đó thì bắt đầu bao trái. Sau khi mình bao khoảng 2 tháng rưỡi là bắt đầu thu hoạch”.

    Tuy nhiên, sự thay đổi về ý thức canh tác của nhà vườn chỉ mới là điều kiện “cần”, nhưng chưa “đủ”. Bởi để tăng khả năng cạnh tranh với trái bưởi được trồng ở các tỉnh, thành khác trong khu vực, đòi hỏi phải có sự liên kết chặt chẽ giữa nhiều nhà vườn theo mô hình kinh tế tập thể, nhằm tạo sự đồng nhất trong quy trình canh tác, tạo ra trái bưởi có sự đồng đều cả về “chất” và “lượng”. Tại Sóc Trăng, nhiều hợp tác xã trồng bưởi đã được hình thành, các hợp tác xã đều chú trọng trang bị cho thành viên những kỹ thuật canh tác cần thiết để cung ứng cho thị trường xuất khẩu những trái bưởi đảm bảo sạch và truy xuất được nguồn gốc. Bởi tất cả đều hy vọng sẽ bán được giá cao hơn khi trái bưởi được xuất khẩu sang một trong những thị trường khó tính nhất. Ông Lê Hùng Cường - thành viên HTX Bưởi Thành Công, xã Kế Thành, huyện Kế Sách cho biết thêm: “Những thuốc cấm ngoài danh mục tôi tuyệt đối không sử dụng. Mình sử dụng nhật ký có thời gian, ví dụ như gốc thuốc đó 20 ngày cách ly thì có thể mình kéo dài đến 30 ngày cho an toàn. Bà con cũng ưu tiên sử dụng phân thuốc theo hướng sinh học và hữu cơ. Có như vậy thì bán ra thị trường sản phẩm của mình mới đạt được các tiêu chuẩn mà các nước trên thế giới yêu cầu. Ở đây hầu hết các thành viên đều được tập huấn qua quy trình canh tác VietGAP, làm rất đồng bộ trong quá trình sản xuất”.

    Trên thực tế, trái bưởi của Sóc Trăng đã từng xuất khẩu sang châu Âu vào năm 2018 và duy trì rất tốt sản lượng xuất khẩu hằng năm. Tuy vậy, với diện tích canh tác khá lớn, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng “tham vọng” sẽ có được cơ hội xuất khẩu rộng mở hơn để cải thiện lợi nhuận cho nhà vườn. Quan trọng là khi có thêm thị trường mới, áp lực trong khâu tiêu thụ của bà con nông dân cũng sẽ giảm đi rất nhiều so với trước kia. Khi đó, câu chuyện trúng mùa mất giá mới được giải quyết một cách triệt để. Về phía tỉnh hiện cũng đã xây dựng được 13 mã số vùng trồng để trái bưởi có thể xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Hoa Kỳ. Đồng chí Nguyễn Thành Phước - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng thông tin: “Chúng tôi thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho bà con thuộc các hợp tác xã đã được cấp những mã số này. Để bà con hiểu rõ quy định về mã số vùng trồng đối với châu Âu là như vậy, còn riêng với bên Hoa Kỳ là như thế nào. Khuyến khích bà con duy trì việc ghi chép sổ nhật ký, tuân thủ đúng các quy định của mã số vùng trồng, nghĩa là trồng làm sao cho đúng với quy định tiêu chuẩn cơ sở là 7-7-4. Làm sao để trái bưởi của tỉnh sớm được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ”.

    Mặc dù diện tích trồng bưởi tại Sóc Trăng không lớn so với Bến Tre nhưng với sự vào cuộc của ngành chuyên môn trong việc chuyển giao kỹ thuật canh tác tiến bộ, sự linh động, nhạy bén của chính nhà vườn trong việc chủ động thay đổi quy trình canh tác, tin chắc rằng thời gian không xa, ngoài trái vú sữa tím, bưởi sẽ là sản phẩm cây ăn trái tiếp theo của Sóc Trăng có mặt tại thị trường Hoa Kỳ. Góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho nhà vườn và khẳng định thương hiệu trái cây Sóc Trăng trên trường quốc tế.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 46
  • Hôm nay: 400
  • Trong tuần: 70,827
  • Tất cả: 11,802,834